Oculus Quest - Đánh giá chi tiết sản phẩm

24/04/2020
Oculus Quest - Đánh giá chi tiết sản phẩm

Oculus Quest - Đánh giá chi tiết sản phẩm

Oculus Quest – Được giới thiệu từ tận năm 2012 và ra mắt chính thức phiên bản dành cho người dùng cuối từ năm 2016 với tên gọi Oculus Rift CV1, thế nhưng các mẫu kính thực tế ảo VR của Oculus đều ít được đón nhận, bởi khá nhiều nguyên do.

Có thể kể đến chúng đòi hỏi một cấu hình phần cứng đi kèm thuộc loại mạnh mẽ với mức “đầu tư” lên đến hàng ngàn USD chưa kể tới tiền mua kính. Bên cạnh đó, nội dung thực tế ảo còn quá “nghèo nàn” và hơn tất cả, hệ thống dây nhợ kết nối còn quá lằng nhằng với đủ các loại thiết lập cảm biến khiến cho các mẫu kính này trở nên quá rắc rối với người dùng phổ thông.

Chính vì thế mà sau khi hấp thu rất nhiều kinh nghiệm từ chương trình hợp tác GearVR cùng Samsung, hãng đã tung ra bộ kính thực tế ảo VR độc lập đầu tiên trên thế giới với tên gọi Oculus Go với khả năng hoạt động ngay khi bật kính mà không cần bất kỳ thiết lập hay dây nhợ nào đi kèm. Kết quả là thế giới đã chứng kiến cơn bùng nổ các nội dung thực tế ảo.

Thừa thắng xông lên, năm 2019 vừa qua Oculus đã cho ra mắt phiên bản kính thực tế ảo độc lập thế hệ mới nhất với tên gọi Oculus Quest. Đây là một bước tiến dài của hãng trong tham vọng tạo ra một mẫu kính thực tế ảo đơn giản, tiện dụng và phù hợp với đại đa số người dùng hiện nay.

Kết quả là chỉ trong vòng nửa năm qua, Oculus chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có của nền tảng thực tế ảo với 90% số người dùng hoàn toàn là khách hàng mới và hàng loạt các studio phát triển game đạt doanh thu “triệu đô”. Điều gì đã làm cho mẫu kính thực tế ảo đời mới của hãng trở nên hút hàng như vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bạn nhé!

THIẾT KẾ: CHẤT LƯỢNG CAO TỪ TRONG RA NGOÀI

Khá khác biệt với một mẫu kính thực tế ảo độc lập “nửa mùa” như GearVR của Samsung hay mẫu kính giá rẻ như Oculus Go, Oculus Quest ngay từ đầu được sản xuất với tham vọng là bàn đạp, là cú hích cho thị trường kính thực tế ảo, thế nên Oculus đã dồn rất nhiều “tâm huyết” vào việc thiết  kế mẫu kính này cũng như phát triển một số công nghệ mới để giảm thiểu dây nhợ rườm rà mà vẫn giữ được độ gọn nhẹ nhất định.


Ngay từ khâu đóng hộp, dễ dàng thấy được Oculus đã “chăm chút” nhiều hơn cho sản phẩm của mình với một vỏ hộp được in ấn vô cùng đẹp mắt, kích thước khá to với hình thiết kế sản phẩm, thoạt nhìn có phần hơi giống với thiết kế của phiên bản dành cho PC Oculus Rift S với hàng camera tích hợp và hai tay cầm điều khiển chứ không chỉ một như các mẫu kính thực tế ảo VR độc lập thế hệ đầu tiên.


Mặt sau là hình ảnh chi tiết hơn của Oculus Quest với một số thông tin đơn giản và phần mềm đáng chú ý.


Ấn tượng đầu tiên sau khi “đập hộp” sản phẩm chính là sự cao cấp trong vật liệu và khả năng chế tạo của Oculus dành cho sản phẩm đắt tiền của mình. Vẫn sử dụng chất liệu nhựa để đảm bảo khối lượng sản phẩm không quá nặng, thế nhưng nếu so sánh với phiên bản Oculus Go trước đây hay thậm chí là Oculus Rift CV1 thì phiên bản kính thực tế ảo VR độc lập đời mới này có vẻ “xịn sò” hơn nhiều nhờ lớp vải dệt bằng sợi tổng hợp bao phủ hầu hết các chi tiết xung quanh, điều này giúp cho lớp vỏ của mẫu kính này khó trầy hơn, tránh tình trạng “xơ xác màu cháo lòng” như các phiên bản GearVR hay Oculus Go do bị quăng quật và di chuyển nhiều hơn so với phiên bản dùng cho máy tính.


Khác với các phiên bản kính thực tế ảo VR độc lập trước đó được phát triển trên nền của bộ sản phẩm dành cho nhà phát triển số 1 (Developer’s Kit 1 - DK1) sử dụng dữ liệu từ con quay hồi chuyển (gyroscope) nên người dùng phải đứng yên tại chỗ, đến với Oculus Quest, hãng đã phát triển một kỹ thuật hoàn toàn mới sử dụng bốn camera để thu dữ liệu chuyển động tương đối của kính so với môi trường xung quanh, kết hợp với dữ liệu từ con quay hồi chuyển để cho ra vị trí tương đối của kính trong không gian với độ chính xác cao gần bằng công nghệ dùng camera hồng ngoại trước đây. Hãng gọi công nghệ này là Oculus Insight Tracking.


Điểm đặc biệt nhất của bộ kính này vẫn là hai tay cầm cảm ứng đem lại trải nghiệm game tương tự như phiên bản đầy đủ sử dụng trên máy tính. Cả hai tay cầm đều được thiết kế rất giống tay cầm cho phiên bản Oculus Rift S với khả năng nhận diện thông qua camera tích hợp trên kính và con quay hồi chuyển để đạt được khả năng “bắt” chuyển động ở mức tốt nhất mà không cần đến cảm biến chuyển động bên ngoài như trên phiên bản thế hệ trước.


Tròng kính của Oculus Quest cũng được trang bị loại kính Fresnel với khả năng chống lóa với ánh sáng phát ra từ màn hình. Đây cũng là một nâng cấp nhỏ so với phiên bản Oculus Rift CV1 trước đây thường bị đem ra so sánh với “đối thủ” HTC Vive V1 vì chỉ sở hữu thấu kính “trơn” thông thường. Người dùng thậm chí có thể điều chỉnh vị trí nhìn của màn hình bằng một cần gạt nhỏ phía dưới kính để có thể đạt được tầm nhìn dễ chịu nhất. Đây là những nâng cấp nhỏ, nhưng đem lại trải nghiệm thoải mái hơn cho người dùng, nhất là khi phải sử dụng kính trong thời gian dài.

KHẢ NĂNG TRÌNH DIỄN XUẤT SẮC

Oculus Quest mang lại một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và khác biệt so với hầu hết các mẫu kính thực tế ảo trên thị trường hiện nay, kể cả nếu so sánh với “người anh em” Oculus Rift S. Chỉ cần đeo kính vào mắt, cầm lên hai tay cầm điều khiển, người dùng sẽ cảm nhận được sự thoải mái khi không vướng víu dây nhợ “trĩu nặng” phía sau đầu như trên các phiên bản kính cần kết nối với PC nhưng vẫn giữ được độ “trơn tru” cần thiết để trải nghiệm môi trường thực tế ảo.


Phải biết rằng cũng tương tự như Oculus Go ra mắt trước đây, Oculus Quest chỉ nhận được một ít nâng cấp nhỏ về sức mạnh xử lý trung tâm với chip xử lý tất cả trong một Qualcomm Snapdragon 835, một chip xử lý di động cao cấp của vài năm trước nhưng vẫn rất yếu so với sức mạnh “ngồn ngộn” của các cỗ PC cao cấp. Chính vì thế mà việc tối ưu hóa hoạt động để hệ thống có thể hoạt động trơn tru là điều rất khó khăn đối với đội ngũ kỹ sư của Oculus.


Nhẹ nhàng bắt tay vào một tựa game có doanh thu lên đến 2 triệu bản Beat Saber  với phiên bản được làm riêng cho hệ kính thực tế ảo VR độc lập này, dễ dàng thấy được cả kính và hai tay cầm đều hoạt động vô cùng trơn tru với mức độ trễ ở mức “siêu thấp”.

Gần như bạn chẳng bao giờ bị lỡ bất kỳ nhịp nào dù cần đến các phản ứng nhanh cho những bài nhạc với tốc độ cao. Nhờ đó mà các game thủ đã quen với tốc độ phản ứng gần như ngay lập tức trên các hệ kính thực tế ảo VR “có dây” sẽ chẳng cảm thấy chút bỡ ngỡ nào khi “chiến đấu” trên nền máy Oculus Quest.


Đến tựa game đấm bốc Creed: Rise to Glory, hệ thống cho thấy khả năng phản ứng vô cùng “nhạy bén” của tay cầm và kính trước những chuyển động cần độ “gia tốc” như các cú đấm, các pha né đòn khẩn cấp. Đây vốn là điểm yếu của các kính thực tế ảo VR độc lập sử dụng con quay hồi chuyển như Oculus Go và rất nhiều các sản phẩm kính thực tế ảo khác trên thị trường hiện nay.

Khác với Oculus GoOculus Rift S sử dụng màn hình công nghệ LCD, Oculus Quest được trang bị màn hình OLED với độ phân giải 1440 x 1600 cho mỗi mắt với tần số quét ở mức 72Hz. Màn hình được sản xuất bằng công nghệ xếp điểm ảnh phụ (subpixel) theo dạng Pen Tile, thế nên dù có độ phân giải hiệu quả cao hơn phiên bản dùng cho PC sử dụng màn hình LCD, thế nhưng màn hình của Oculus Quest lại kém “mịn” hơn đôi chút, bù lại, do kiểu sắp xếp điểm ảnh phụ này mà người dùng không gặp phải “hiệu ứng ô cửa” (Screendoor Effect – hiện tượng xuất hiện các ô ca rô dọc ngang trên màn hình thường thấy trên các màn hình LCD sắp xếp điểm ảnh phụ theo kiểu RGB truyền thống).

Thêm vào đó, sử dụng công nghệ OLED nên màn hình của sản phẩm cho màu đen sâu hơn và chất lượng màu sắc tốt hơn hẳn các mẫu kính sử dụng công nghệ LCD. Điều này rất quan trọng khi rất nhiều trò chơi và phần mềm sử dụng khung cảnh tranh tối tranh sáng để xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo.


Một công nghệ ấn tượng khác đối với Oculus Quest chính là tính năng Oculus Link cho phép người dùng kết nối với PC và sử dụng tương tự như “người anh em” Oculus Rift S trên các thư viện game Oculus dành cho PC và SteamVR chỉ bằng một sợi cáp tín hiệu duy nhất. Tính năng này giúp mở rộng khả năng của sản phẩm lên mức “vô hạn” khi cho phép người dùng chơi những tựa game có nền tảng đồ họa “khủng long” trên nền thực tế ảo hiện nay nhờ vào sức mạnh của cỗ PC của bạn.

Người viết thậm chí thử nghiệm sử dụng kính với trò chơi bom tấn Half-life Alyx thông qua kết nối Oculus Link. Dù gặp phải độ trễ (latency) khá nhẹ nếu so sánh với việc chơi trên các kính thực tế ảo VR “có dây” truyền thống, nhưng về cơ bản người chơi vẫn có thể thưởng thức được tựa game khá trơn tru mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Chính nhờ tính năng này mà Oculus Quest trở nên “sáng giá” hơn bao giờ hết, bởi sản phẩm vừa sở hữu khả năng giải trí đơn giản, nhanh chóng, tiện nghi của một mẫu kính thực tế ảo VR độc lập, lại vừa có khả năng “biến hình” mạnh mẽ để “thích nghi” với môi trường đầy sức mạnh của các cỗ PC đời mới và các nền tảng game rộng mở.

TỔNG KẾT

Nhìn chung, Oculus Quest là một sản phẩm sáng giá dành cho người bắt đầu làm quen với công nghệ thực tế ảo nhờ thiết kế đơn giản, dễ sử dụng cùng rất nhiều công nghệ mạnh mẽ đem đến nhiều khả năng mở rộng cho người dùng để có thể “dấn thân” vào các nền tảng game chuyên nghiệp hơn, mạnh mẽ hơn và rộng rãi hơn.

Điều duy nhất khiến cho mẫu kính thực tế ảo này vẫn còn khó tiếp cận với đa số người dùng Việt Nam chính là ở mức giá vẫn còn tương đối cao, thậm chí là cao hơn cả các phiên bản kính thực tế ảo VR có dây như Oculus Rift S trong bối cảnh mặt bằng chung sức mạnh xử lý đồ họa của các cỗ PC đã được tăng cường qua vài thế hệ CPU và GPU ra mắt gần đây.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: