Half-life Alyx – Đánh giá “siêu phẩm” đầu tiên trên nền thực tế ảo

25/03/2020
Half-life Alyx – Đánh giá “siêu phẩm” đầu tiên trên nền thực tế ảo

Half-life Alyx – Mặc dù ra mắt thị trường từ khá lâu, thế nhưng công nghệ thực tế ảo vẫn gặp phải nhiều bất cập, chủ yếu đến từ việc đòi hỏi quá mức sức mạnh của các dàn máy PC “hạng nặng”, tiếp đến nữa là vấn đề thiếu vắng các nội dung chất lượng, các game được đầu tư công sức và chất lượng đủ kéo người dùng đến với thế giới thực tế ảo VR đầy màu sắc.

Bẵng đi một thời gian, những bước tiến công nghệ đã khiến các dàn máy chơi game ngày nay mạnh mẽ hơn rất nhiều so với mức trung bình của thời kỳ các mẫu kính thực tế ảo VR “đổ bộ” thị trường. Bên cạnh đó, thị trường nội dung số phục vụ cho các kính thực tế ảo cũng đạt được những bước tiến nhất định với hàng loạt các studio game nhỏ và vừa đạt được doanh thu … tiền triệu USD đã thôi thúc một vài “ông lớn” trong ngành công nghiệp game phải nhìn nhận lại tiềm năng của hệ sinh thái này.

Kết quả là gã khổng lồ Valve Software đã bước ra một bước “tiên phong” khi cho ra mắt hệ kính thực tế ảo VR của riêng mình với tham vọng “thống nhất” tiêu chuẩn của các thế hệ sản phẩm hiện nay theo SteamVR với tên gọi Valve Index, và kèm theo đó là “quả bom tấn” Half-life Alyx.

Đây có thể xem như tựa game thực tế ảo được xếp hạng AAA đầu tiên trên thị trường hiện nay với một cốt truyện chặt chẽ, lối chơi cuốn hút cùng nền tảng đồ họa xuất sắc bậc nhất, đủ sức “khuấy động” thế giới game thực tế ảo.

HALF-LIFE ALYX: HÌNH, ÂM “TUYỆT HẢO”!

Trong rất nhiều năm trở lại đây, khi nhắc đến game cho các thế hệ kính thực tế ảo VR, người ta thường nghĩ ngay đến các game có chất lượng đồ họa… bèo nhèo như game dành cho trẻ em. Điều này cũng là bất đắc dĩ khi các kính thực tế ảo VR thường sở hữu màn hình có độ phân giải rất cao, như HTC Vive Cosmos sử dụng màn hình LCD 3.4 inch có độ phân giải lên đến 2880x1700 pixel, đó là chưa kể đến các game phải được dựng song song cùng lúc hai hình ảnh và xuất ra với tốc độ cao để đáp ứng được tốc độ quét hình lên đến 90Hz. Đó là chưa kể đến các studio tham gia sản xuất game thực tế ảo thường thiếu thốn về nhân lực không thể xây dựng những tựa game thật sự ấn tượng về mặt đồ họa.

Nhưng chắc chắn rằng những nhà phát triển game ở Valve Software lại không cho rằng sức mạnh phần cứng là giới hạn khi bạn sẵn sàng bỏ ra 1000USD để mua mẫu kính thực tế ảo “hàng hiệu” của hãng. Chính vì thế mà đội ngũ họa sĩ và kỹ sư phần mềm của Valve đã thỏa sức làm việc hết “công suất” của mình để đem lại một thế giới VR đẹp mắt nhất cho tới thời điểm hiện tại với khung cảnh rộng lớn và hàng trăm vật thể có thể tương tác với độ chi tiết cao chưa từng có, kể cả khi so sánh với những game “bom tấn” khác trên thị trường hiện nay, áp dụng ngồn ngộn các công nghệ dò tia Ray Tracing như Metro Exodus.

Kể từ khi khởi động game, Half-life Alyx đã mang người chơi đến với City 17, không phải theo những hình tượng trong trí nhớ của các fan hâm mộ dòng game, mà bằng một thế giới thực, thực đến từng căn nhà, từng góc phố, từng bức tường, thậm chí đến cả cái hơi thở bẩn thỉu và không khí căng thẳng của những cuộc bố ráp, bắt bớ và thanh trừng. Bạn có thể thấy các bức tường loang lổ, những mảnh ván nứt gãy, những đường hầm và căn nhà cũ mốc lập lòe trong ánh sáng đèn điện ma mị… Tất cả đều được tái hiện bằng những mô hình cực kỳ chăm chút với độ phân giải cực cao, cao đến độ nếu mà thậm chí có dí sát mắt vào từng mô hình, bạn vẫn khó có thể phân biệt được chúng với các sản phẩm ngoài đời thực.

Thế giới của trò chơi được xây dựng chân thực đến nỗi, bạn gần như có thể tương tác tất cả mọi vật thể trong trò chơi theo nhiều cách đáng ngạc nhiên, chẳng hạn như có thể dùng bút lông để viết lên kính, dùng khăn để lau nó đi, dùng cửa sắt để chắn đạn, dùng cái ống nước để đập bay những con Headcrab đang vồ lấy bạn, hay cầm và ném bình gas lên không rồi bắn nổ tung để đốt cháy mấy con Barnacle treo ngược lơ lửng trên trần nhà tìm xem có chút đạn dược hay miếng resin để nâng cấp vũ khí nào còn vướng lại bên trong mà chưa bị… tiêu hóa hết hay không. Thậm chí nếu lân la lò dò trên Youtube , bạn sẽ phát hiện hàng tá người chơi làm những trò kỳ quặc trong game như bắt Headcrab bằng… xô , hay trổ tài làm họa sĩ miệt mài ở khắp mọi nơi.

Mặc dù không hỗ trợ dựng hình bằng công nghệ dò tia Ray Tracing, thế nhưng những bản trình diễn của ánh sáng trong game vẫn thuộc hàng xuất sắc nhờ vào khả năng “dàn dựng” của đội ngũ thiết kế màn chơi, đem đến những khung hình rất đậm chất điện ảnh, gần sát với thế giới thực. Tất cả các khu vực mà người chơi có thể khám phá đều được bố trí nguồn sáng vô cùng khéo léo để tạo ra bầu không khí rùng rợn, mang lại một chút “chất Survival Horror”, khá khác biệt với các phiên bản Half-life trước đây khi anh chàng kỹ sư Gordon có thể chạy và bắn từ đầu đến cuối game.

 

Nếu có một điểm nào đáng phàn nàn trong cơ chế đồ họa của Half-life Alyx thì phải kể đến các vụ nổ trong game có phần hơi giả tạo, thiếu đi đôi chút độ ấn tượng cần có. Không chớp sáng, không mảnh vụn văng tung tóe, không cả sóng chấn động như cách mà vài game hành động thường làm hiện nay.

Âm thanh là một điểm cộng khác trong game khi cơ chế mô phỏng thực tế ảo của trò chơi đem lại cảm giác chân thực cho người chơi khi có thể định hướng chân thực vị trí của tiếng động thông qua headphones tích hợp trên bộ kính HTC Vive Pro Full Kit mà người viết thử nghiệm. Cơ chế này cho phép đội ngũ thiết kế game tái tạo lại không gian màn chơi bằng đủ các loại âm thanh nền, khiến cho môi trường game trở nên chân thực hơn bao giờ hết. 

Bạn sẽ nghe tiếng nước chảy nhỏ giọt trong đường cống, tiếng quạt thông gió thổi vù vù trong những tòa nhà và công trình cũ kỹ và thậm chí cả tiếng rên rỉ của những con quái vật vang vọng đâu đó làm cho không khí gần như sệt lại, thậm chí là có phần hơi… gai người khi di chuyển qua các khu vực đổ nát của khu vực cách ly (Quarantine Zone), đem lại cảm giác căng thẳng thật sự cho người chơi mà không cần sử dụng đến những bản nhạc nền ma mị.

Phần lồng tiếng cũng là một điểm sáng khác của trò chơi khi các nhân vật đều được thể hiện vô cùng biểu cảm, dù đó là nhân vật người hay các quái vật biến dị khác nhau. Điều này giúp cho các nhân vật xuất hiện sống động với cá tính riêng biệt, tô đậm cho cốt truyện giả tưởng của Half-life Alyx thêm phần chân thật. Điều này không thể bỏ qua dàn diễn viên lồng tiếng hùng hậu tham gia vào trong quá trình xây dựng trò chơi, có thể kể đến diễn viên kỳ cựu James Moses Black nổi tiếng qua hàng loạt phim truyền hình Mỹ vào vai Tiến sĩ Eli, hay Tony Todd của loạt phim Final Destination lồng tiếng cho “quái nhân một mắt” Vortigaunt.

HALF-LIFE ALYX: LỐI CHƠI ĐA DẠNG VÀ “KÍCH THÍCH”

Phải nói rằng với những tác phẩm “để đời” của mình như dòng game Half-life, dòng game Portals đều cho thấy khả năng của Valve Software như một bậc thầy của thể loại game giải đố và hành động và những gì mà Half-life Alyx thể hiện đã cho thấy đội ngũ thiết kế game kỳ cựu của hãng đã làm rất tốt điều này khi phối hợp được cả hai yếu tố một cách nhuần nhuyễn vào màn chơi, tạo ra những cung bậc cảm xúc và độ phấn khích cho người chơi, nhất là khi lồng ghép chúng vào trong một môi trường thực tế ảo với khả năng tương tác mạnh mẽ và đa dạng.

Trong hầu hết phần lớn thời lượng game, người chơi sẽ phải tìm đường để đi từ điểm này đến điểm khác và gần như mọi lúc, bạn sẽ đối mặt với các câu đố cần một chút suy nghĩ, một chút khéo léo và cả một chút quan sát kỹ lưỡng.

Chủng loại các câu đố là vô cùng đa dạng. Có khi nó chỉ đơn giản là bạn kê cái thùng cho cao hơn để nhảy qua cửa sổ vào căn phòng bị khóa cửa. Có khi nó phức tạp hơn đòi hỏi bạn phải tìm ra một linh kiện bị thiếu, lắp vào máy và vận hành nó bằng cách xoay các bánh xe. Cũng có khi bạn phải dùng công cụ đa năng trang bị trên tay để điều chỉnh luồng cấp điện cho cánh cửa, mà chẳng may lỡ tay đẩy nhầm nguồn điện cho chuông báo động thì bạn sẽ bị đám Combine vũ trang tận răng “vồ lấy” tấn công tới tấp…

Cơ chế chiến đấu của Half-life Alyx được mô phỏng vô cùng chân thực. Bạn sẽ sử dụng các loại súng khác nhau, bao gồm cả lựu đạn để chiến đấu với lũ quái vật và lính Combine và mỗi loại vũ khí sẽ có cách thức vận hành, ngắm bắn và nâng cấp hoàn toàn khác biệt. Mọi hành động của bạn đều phải thực hiện theo cách thủ công như bấm nút cho thả rơi băng đạn rỗng, lôi băng đạn mới ra từ ba lô, nhét nó vào súng, rồi lại thả giữ cò để có thể tiếp tục “tác xạ”. Một loạt những hành động mô phỏng khá rườm rà và chân thực hoàn toàn có thể làm bạn… mướt mồ hôi khi đang phải đối đầu với những kẻ thù hung hãn.

Bạn vẫn có thể tận dụng những lợi thế môi trường, những món đồ có thể tương tác, hay thậm chí có thể dùng găng tay trọng lực hút và ném bình gas về phía kẻ thù rồi bắn nổ để tăng thêm mức sát thương… Các chuyên gia thiết kế màn chơi của Valve Software có vẻ như rất biết tận dụng những ưu điểm của các thế hệ kính thực tế ảo VR để người chơi có thể lựa chọn các phương thức chiến đấu, núp, tránh đạn qua các vật cản, che đạn bằng các đồ vật sử dụng động tác hình thể thực sự, tạo ra một trải nghiệm chiến đấu rất riêng biệt mà thậm chí các game bắn súng thực tế ảo thuộc hàng có tiếng lâu nay như Zero Caliber hay Pistol Whip cũng không có được.

Tuy nhiên, cũng may là số lượng kẻ thù khá ít, nhưng “chất”, xuất hiện trong cùng một khu vực và cách chơi tương tác khiến cho người chơi ít cần đến những hành động nhanh tay, nhanh mắt và phải di chuyển liên tục như với các game hành động bắn súng thông thường (như kiểu chạy nhoay nhoáy của DOOM Eternal chẳng hạn). Nếu không chắc chắn đa số các game thủ phải xây xẩm mặt mày khi chiến đấu căng thẳng và… cạch luôn game chỉ sau một vài trận chiến.

TỔNG KẾT

Về tổng thể, Half-life Alyx là màn trở lại ngoạn mục của Valve Software trong lĩnh vực làm game sau nhiều năm tập trung đầu tư cho cửa hàng bán game trực tuyến của mình. Không thể phủ nhận được với chất lượng hình – âm thuộc hàng xuất sắc bậc nhất trên thế giới game hiện nay, cộng với một lối chơi đã được trau chuốt và thử nghiệm kỹ lưỡng, Half-life Alyx xứng đáng là siêu phẩm hàng đầu trên thế giới game dành cho kính thực tế ảo VR và cũng là ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu Game of The Year của năm 2020 này.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: