Oculus Quest 2 - Đánh giá chi tiết sản phẩm

28/12/2020
Oculus Quest 2 - Đánh giá chi tiết sản phẩm

Oculus Quest 2 - Đánh giá chi tiết sản phẩm

Oculus Quest 2 – Kể từ khi được ra mắt vào năm 2015, công nghệ thực tế ảo có những bước phát triển chỉ có thể coi là trong quy củ. Nguyên do thì có rất nhiều, có thể kể đến công nghệ này ở “thuở ban sơ” đòi hỏi những thiết lập nhận diện chuyển động đòi hỏi phải có “tay nghề” nhất định. Hay như cấu hình đề nghị của hầu hết các tựa game VR đều thuộc loại ngất ngưởng, đòi hỏi người dùng phải “thêm vốn” đầu tư một dàn PC “hạng nặng”. Hay thậm chí chính vì tất cả những lý do này mà các studio phát triển game và phần mềm đều thờ ơ khiến cho kho phần mềm trở nên “èo uột”…

Tất cả những lý do này chỉ được cải thiện phần nào khi Oculus cho ra mắt phiên bản kính VR độc lập Oculus Quest. Với thiết kế gọn nhẹ, đơn giản, dễ sử dụng, mẫu kính VR này đã gây nên cơn sốt trong suốt mùa cuối năm 2019, thậm chí nó còn “đẩy” doanh số của hàng loạt tựa game “cán mốc” 1 triệu USD . Thừa thắng xông lên, hãng lại tiếp tục cho ra mắt phiên bản Oculus Quest 2 với một vài cải tiến, tuy nhỏ, nhưng làm thay đổi đáng kể trải nghiệm của người dùng.

Những thay đổi này có đủ sáng giá? Hãy cùng TechguruStore đánh giá sản phẩm các bạn nhé!

NHỮNG THAY ĐỔI NHỎ TRONG THIẾT KẾ

Phải nói rằng, ngay từ ấn tượng đầu tiên, Oculus Quest 2 không có nhiều khác biệt so với phiên bản tiền nhiệm Oculus Quest ra mắt vào năm ngoái mà bạn có thể tìm đọc bài đánh giá tại đây.

Ngoại trừ màu sắc được chuyển sang tông màu trắng chủ đạo, thay đổi nho nhỏ trên bề mặt kính có thể thấy được chính là nút nguồn cũng được bố trí lại sang cạnh bên.

Dây đeo cũng được chuyển sang dây vải dệt sợi tổng hợp thay vì sử dụng chất liệu cao su đàn hồi như trên phiên bản Quest trước đó. Tuy nhiên, người viết cảm thấy cho dù đổi chất liệu dây nhưng “vấn nạn xệ kính” khi người dùng vận động mạnh vẫn còn nguyên đó. Tốt nhất là bạn nên mua kèm theo một quai đeo để có thể cố định kính tốt hơn.

Điểm thay đổi nhỏ về thiết kế khác trên Oculus Quest 2 chính là 2 thấu kính có thể điều chỉnh khoảng cách theo 3 mức thiết lập sẵn. Thay đổi này khá hữu dụng khi giúp cho những người có khoảng cách giữa 2 mắt khác nhau dễ dàng tìm cho mình được vị trí phù hợp, dễ sử dụng hơn trong thời gian dài so với thiết kế cố định ở các thế hệ kính trước đây.

Đối với tay cầm điều khiển cảm ứng, Oculus chỉ làm ra một thay đổi nhỏ trong nắm khoang chứa pin, khiến cho chi tiết này không dễ tuột ra khi sử dụng như với thiết kế cũ.

NÂNG CẤP MẠNH MẼ VỀ PHẦN CỨNG

Mặc dù không có quá nhiều thay đổi trong thiết kế bên ngoài, thế nhưng Oculus Quest 2 được mạnh tay nâng cấp về mặt phần cứng bên trong.

Đáng chú ý nhất là vi xử lý trung tâm “chuyên dụng” Qualcomm Snapdragon XR2 được sử dụng thay cho phiên bản vi xử lý di động Qualcomm Snapdragon 835 được sử dụng trên phiên bản cũ. Đây là mẫu CPU mà Qualcomm phát triển dành riêng cho các kính VR hiện đại. Hãng thậm chí còn sản xuất một phiên bản kính VR hàng mẫu (prototype) sử dụng con chip này để giúp các hãng sản xuất dễ dàng hình dung.

Đây là mẫu CPU có sức mạnh vô cùng to lớn, có thể hỗ trợ cùng lúc 2 màn hình ở độ phân giải 3K, đến 7 camera hoạt động cùng lúc cho tác vụ nhận diện chuyển động bên ngoài. Đặc biệt nhất là mẫu CPU này sở hữu chung nhân đồ hoạ Adreno 650 với mẫu vi xử lý hàng đầu dành cho điện thoại di động hiện nay là Qualcomm Snapdragon 865 với sức mạnh đồ hoạ gấp 2 lần so với thế hệ trước đó.

Điều đáng tiếc nho nhỏ chính là việc Oculus đã bỏ qua khả năng hỗ trợ kết nối 5G của chip xử lý này mặc dù Qualcomm đã tích hợp modem vào trong chip. Có lẽ trong điều kiện thực tế hiện tại, kết nối 5G vẫn chưa thực sự cần thiết nên các kỹ sư của hãng đã bỏ qua tính năng này.

Một nâng cấp đáng chú ý khác nằm ở chỗ Oculus đã thay thế màn hình OLED trên phiên bản đầu tiên bằng màn hình LCD độ nét cao 1832 x 1920 với tốc độ quét hình lên đến 90Hz. Theo cảm nhận chủ quan của người viết, mẫu màn hình này có độ sáng tốt hơn, độ mịn cao hơn không chỉ do độ phân giải tăng cao hơn 50%, mà còn do sử dụng công nghệ subpixel RGB có số lượng điểm ảnh cao hơn 33% so với kiểu xếp subpixel Pentitle trên màn hình OLED cũ.

Ngoài ra, việc ứng dụng màn hình LCD có lẽ giúp cho giá thành sản xuất của Oculus Quest 2 được giảm đi khá nhiều bởi tấm nền OLED độ nét cao có mức giá không hề rẻ trong chi phí chế tạo phiên bản đầu tiên.

NHỮNG TỰA GAME ĐƯỢC NÂNG CẤP VỀ ĐỒ HOẠ

Phải nói rằng, với một sức mạnh “mới toanh”, Oculus Quest 2 cũng nhận được rất nhiều ưu ái từ phía các studio sản xuất game.

Trước khi chính thức ra mắt vào ngày 13/10/2020 vừa qua, Oculus cho biết hãng đã có những cuộc “vận động hành lang” đến rất nhiều studio game, trong đó bao gồm cả các studio đến từ Nhật Bản để tạo ra càng nhiều tựa game độc đáo ra mắt cùng với kính. Bên cạnh đó, hãng cũng thúc đẩy các hãng nâng cấp các tựa game đã có trên nền Oculus Quest lên mức đồ hoạ hoàn toàn mới, đẹp mắt hơn, ấn tượng hơn rất nhiều.

Một số tựa game đã nhận được bản nâng cấp đồ hoạ có thể kể đến bao gồm Super Hot VR, Pistol Whip, Onward, Drop Dead Dual Strike, Arizona Sunshine và Waltz Of The Wizard. Những tựa game này sẽ tự động nhận được bản cập nhật đồ hoạ khi người chơi mở game trên nền Oculus Quest 2.

Các tựa game được nâng cấp sẽ có độ phân giải vân bề mặt (texture) cao hơn phiên bản trên Quest cũ, cùng với thuật toán khử răng cưa được bật lên, giúp hình ảnh trở nên sắc nét hơn, ấn tượng hơn hẳn so với những gì mà bạn đã trải nghiệm trước đây.

KHẢ NĂNG KẾT NỐI VỚI PC – MỨC GIÁ HẤP DẪN

Một trong những tính năng được Oculus thử nghiệm suốt thời kỳ phiên bản Oculus Quest đầu tiên chính là tính năng kết nối với PC thông qua cáp Oculus Link, khiến cho mẫu kính VR của chúng ta tận dụng tối đa được sức mạnh của những cỗ PC mạnh mẽ. Với sự hoàn thiện ở tính năng này, khi ra mắt phiên bản Oculus Quest 2, hãng đã quyết định chấm dứt sự tồn tại của một phiên bản kính VR dành riêng cho PC như Oculus Rift S.

Quyết định này cho phép Oculus “gom về một mối” các mảng sản phẩm của mình, giúp hãng có thể tập trung nhiều hơn vào sản xuất chỉ duy nhất một mẫu kính VR để có thể tận dụng lợi thế quy mô sản xuất, kéo thấp giá thành hơn nữa. Từ đó mà các mẫu kính Oculus Quest 2 được bán ra với mức giá “thơm” hơn rất nhiều so với phiên bản Oculus Quest trước đây.

Ở tại Việt Nam, phiên bản 64GB có mức giá chỉ 10,900,000đ, rẻ hơn 2 triệu đồng so với mức giá lúc vừa ra mắt của Oculus Quest phiên bản 64GB.

Mức giảm giá ấn tượng này khiến cho chi phí “nhập môn” công nghệ thực tế ảo của người dùng trở nên rẻ hơn bao giờ hết. Thậm chí với khả năng hoạt động độc lập, người dùng còn chẳng cần đến một chiếc PC đi kèm như rất nhiều mẫu kính VR có mặt trên thị trường trước đây.

Trong tương lai dài lâu, Oculus thậm chí còn có những thử nghiệm mới chẳng hạn như “văn phòng ảo” Infinite Office hay không gian làm việc ảo Spatial cho khu vực doanh nghiệp, giúp người dùng không chỉ giải trí, mà còn có thể làm việc với Oculus Quest 2, từ đó giúp mẫu kính thực tế ảo này trở nên thông dụng hơn, phù hợp với nhiều tác vụ đời sống hơn mà không cần phải sử dụng đến những thiết bị truyền thống như PC, Laptop hay thậm chí là Tablet.

VÀI ĐIỂM TRỪ NHỎ

Với rất nhiều những ưu điểm được phát triển và cải thiện từ phiên bản Oculus Quest ra mắt chỉ một năm trước đó, Oculus Quest 2 có thể xem như một sản phẩm hoàn thiện tốt với cấu hình mạnh mẽ, vượt ra khỏi khái niệm của các mẫu kính VR truyền thống. Thế nhưng vẫn còn một số “điểm trừ” nho nhỏ mà có lẽ Oculus sẽ phải cải thiện trong những phiên bản tiếp theo.

Điểm trừ thứ nhất chính là việc mẫu kính VR này rất “không thân thiện” với những người đeo kính. Ngay cả khi sử dụng tấm lót để tăng thêm khoảng cách thì mắt kính của người dùng vẫn rất dễ cạ vào tròng kính của Oculus Quest 2. Điều này tạo ra rất nhiều khó chịu không đáng có. Giải pháp duy nhất là người dùng phải sử dụng một bộ gọng ốp kính do bên thứ 3 sản xuất, cho phép gắn thêm một cặp tròng kính ngay bên ngoài tròng kính của sản phẩm, giúp người dùng có thể không cần đeo kính khi dùng thiết bị.

Điểm trừ nhỏ thứ 2 vẫn nằm ở thời lượng pin có phần khá “hẻo” của thiết bị. Tương tự như phiên bản đầu tiên, bạn chỉ có khoảng hơn 2 giờ sử dụng sau khi sạc đầy. Điều này thậm chí còn chưa đủ nếu bạn muốn dùng sản phẩm để xem một bộ phim có thời lượng khá dài. Giải pháp tạm thời vẫn là mua thêm một bộ phụ kiện gọng đeo có tích hợp pin sạc Quest 2 Elite Strap With Battery Case do chính Oculus sản xuất để tăng gấp đôi thời gian sử dụng Oculus Quest 2.

TỔNG KẾT

Về tổng thể, những gì mà mẫu kính thực tế ảo độc lập Oculus Quest 2 thể hiện đã cho thấy một quyết tâm rất lớn của Oculus trong việc “phổ cập hoá” kính thực tế ảo đến với người dùng phổ thông khi hãng đã lần lượt “san bằng” rất nhiều cản trở đối với công nghệ này qua hai thế hệ dòng sản phẩm Quest. Có lẽ đây chỉ là bước khởi đầu cho Oculus nói riêng và công nghệ thực tế ảo nói chung tiến đến gần hơn với cuộc sống.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: